Thông thường, với lượng uống vừa phải, sử dụng không thường xuyên, nước ngọt có ga cung cấp một phần năng lượng, tạo cảm giác thoải mái và phần nào đó kích thích tiêu hóa. Nhưng nếu dùng nhiều, nước ngọt có ga có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển và sức khỏe.
Mùa nóng trẻ con rất thích uống nước ngọt có ga, và thông thường, nhiều người vẫn cho rằng, uống nước có ga hàng ngày giúp dễ tiêu hóa. Thực hư có phải là như vậy?
Đối với phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh gút tăng lên khi uống nước giải khát có ga chứa nhiều fructozơ… Bệnh loãng xương gây ra do các axit cacbonic và photphoric có chứa trong nước uống có ga. Vì sao vậy? Nó giải phóng khí CO2. Cacbonat sinh ra kích thích dạ dày, đi tìm canxi trong máu – vốn là chất mà một trong những chức năng là làm giảm độ axit – và quay trở về để bổ sung canxi cho xương. Kết quả là xương bị loãng ra, giòn và dễ gẫy.
Đối với trẻ em, uống nhiều nước ngọt có ga ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển thể lực, cung cấp thêm cho cơ thể bé 1 lượng đường đáng kể khiến trẻ dễ bị dư thừa năng lượng, dẫn tới thừa cân béo phì nhất là đối với trẻ vừa thích uống nước ngọt có ga nhiều, vừa ít vận động, ít chơi thể thao. Ngược lại, tiêu thụ quá nhiều nước ngọt sẽ khiến một số trẻ không ăn đủ lượng thức ăn giàu các chất dinh dưỡng trong bữa chính, không uống đủ sữa và đưa tới mất cân bằng năng lượng làm trẻ có thể bị suy dinh dưỡng. Cả thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng đều là nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành.
Các acid có trong nước ngọt có ga như phosphoric, citric… cộng với chất đường là các tác nhân làm mòn, hủy hoại men răng, gây sâu răng cho bé.
Nước ngọt có ga chứa các acid, khí gas sẽ tác động đến dạ dày có thể gây cồn cào, tổn thương niêm mạc dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Mặt khác, acid phosphoric có thể làm vô hiệu hóa acid hydrochloric trong dạ dày, đưa tới đầy hơi và khó tiêu hóa.