Nước cấp ở nông thôn – thực tại và giải pháp

Kinh tế phát triển, kèm theo 1 hệ lụy cho sự phân hóa không đồng đều giữa các vùng. Tất nhiên, dựa vào từng thế mạnh của từng vùng mà phân chia ra nhiều vùng kinh tế đặc thù khác nhau. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nông thôn vẫn là vùng kinh tế cần được chú trọng hơn.

Nước cấp ở nông thôn cũng là chủ đề đáng được quan tâm và xin phép được “mổ xẻ” tại đây.

Đối với nông thôn hay các vùng miền xa xôi, suy cho cùng vẫn luôn phải chịu thiêt thòi hơn các vùng thị thành, những gì hiện đại tiên tiến đều đến tay người dân trễ hơn. Vấn đề cấp nước cũng không ngoại lệ. Các dự án nước sạch vẫn chưa thể phổ cập được hoàn toàn đến mọi đối tượng, do đó người dân ở nông thôn hầu như phải tự túc về nước sinh hoạt, ăn uống thì có nước mưa còn các nhu cầu khác thì lấy từ nguồn nước ao hồ, sông suối, …

Tuy nhiên, tình trạng này không thể kéo dài lâu, vì các nguồn nước ở nông thôn cũng dần bị ô nhiễm do các hoạt động không kiểm soát của con người (nước thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức, …), của các khu công nghiệp đang dần mọc lên. Bên cạnh đó, do tác động của tự nhiên như triều cường, lũ lụt, nước biển dâng gây ngập úng, đồng thời khô hạn, nhiễm mặn càng lúc càng cao, đặc biệt đối với các vùng đồng bằng chiêm trũng.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo cũng đã quan tâm sâu sắc hơn về vấn đề này thông qua các chương trình, dự án cấp nước sạch cho nông thôn. Chính sách này cũng đã phần nào phát huy được tác dụng của nó qua việc hơn 80% người dân được sử dụng nước sạch, tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là gần 20% số dân nông thôn Việt Nam vẫn phải dùng nước không hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, các dự án cấp nước cho nông thôn cũng gặp phải nhiều bất cập.

Đảng và Nhà nước có trách nhiệm ban hành và hỗ trợ để các dự án đến với nông thôn, tuy nhiên Nhà nước không thể đảm nhiệm tận nơi và toàn diện đến từng địa phương, từng hộ dân, do đó các dự án này sẽ được phân công thực hiện đến các tỉnh, các huyện và xuống dần các xã, phường, thôn xóm. Sự “đa dạng” về mô hình quản lý kéo theo hoạt động không đồng bộ, giá nước không thống nhất.

Việc khảo sát thiết kế trước khi xây dựng công trình cấp nước sạch còn bộc lộ nhiều sơ hở, chưa sát với thực tế dẫn tới việc số hộ sử dụng thấp hơn nhiều so với tính toán thiết kế, hoặc đầu tư xây dựng với hàng tỉ đồng sau đó bỏ trống, gây lãng phí lớn.

Việc bố trí nguồn nhân lực thiếu ổn định về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, đã xuất hiện không ít các doanh nghiệp tư nhân trong việc cấp nước, đây là một hướng chuyển đổi tích cực và khá hiệu quả, tuy nhiên việc chuyển đổi cũng không hề đơn giản vì những lý do như việc thu hồi vốn chậm, khó khăn trong việc định giá tài sản, … Là nhà đầu tư kinh doanh thì việc đắn đo trước các vấn đề này là điều hiển nhiên.

Và còn khá nhiều những bất cập khác không mong muốn trong hành trình đem nguồn nước sạch về nông thôncho dù Nhà nước và chính quyền đã nỗ lực thực hiện.

Những hậu quả của việc sử dụng nguồn nước bẩn không phải là nhỏ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Theo khảo sát của sở y tế tỉnh Lào Cai, nước và vệ sinh môi trường có ảnh hưởng và liên quan đến các loại bệnh sau:

Bệnh đường tiêu hoá: với các bệnh thường gặp như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt…

Bệnh giun sán: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim thường lây truyền do trứng giun của người bệnh theo phân ra ngoài rồi lại vào hệ tiêu hoá của người khoẻ qua thức ăn, nước uống nhiễm bẩn hoặc chui qua da người vào cơ thể và gây bệnh.

Bệnh do muỗi truyền: những bệnh do muỗi truyền thường thấy là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản…

Các bệnh về mắt, ngoài da, bệnh phụ khoa: đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa có thể truyền từ người bệnh sang người lành qua nước. Bởi vậy để phòng tránh các bệnh này cần có đủ nước sạch để sử dụng hàng ngày.

Cho dù dân ở đâu cũng là dân Việt Nam, càng ở những vùng xa xôi khó khăn càng phải được quan tâm nhiều hơn. Mong rằng Nhà nước và các cơ quan chức năng thấy được tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn của vấn đề này từ đó có những động thái mạnh mẽ và tích cực hơn nữa trong việc đưa nguồn nước sạch đến người dân nói chung và người dân nông thôn nói riêng.