Nguồn nước ô nhiễm, tác nhân ảnh hưởng đến tương lai con trẻ

Theo ước tính của UNICEF, ở Việt Nam có khoảng 17 triệu (52%) trẻ em chưa được sử dụng nước sạch Đáng báo động hơn, hàng ngày, tại các “làng ung thư”, hàng chục ngàn trẻ em đang phải “sống chung” với nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng

Theo ước tính của UNICEF, ở Việt Nam có khoảng 17 triệu (52%) trẻ em chưa được sử dụng nước sạch Đáng báo động hơn, hàng ngày, tại các “làng ung thư”, hàng chục ngàn trẻ em đang phải “sống chung” với nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tương lai trẻ.

40% bệnh do ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở trẻ em.

Thống kê của UNICEF tại khu vực Nam và Đông Á cho thấy, chất lượng nước ở khu vực này ngày càng trở thành mối đe dọa lớn đối với trẻ em. Tình trạng nhiễm asen và flo trong nước ngầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 50 triệu người dân trong khu vực. Trong đó, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do chưa biết cách bảo vệ bản thân, chưa được trang bị kiến thức sử dụng nước sạch, hễ miễn dịch yếu. Không chỉ gây ra bệnh tật, uống nước không an toàn còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều cái chết ở trẻ em.

Dù chiếm 10% dân số thế giới nhưng trẻ em lại chiếm đến 40% các ca bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như: tiêu chảy, mất nước, bệnh hen suyễn, dị ứng và nhiễm độc chì. Trong khi đó, 1 nghiên cứu về tác động môi trường đối với sức khỏe trẻ em do WHO và Liên Hiệp Quốc tiến hành năm 2010 đã chỉ ra rằng, tiêu chảy dẫn đầu nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Và có đến 88% các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em trên toàn thế giới là do nguồn nước không an toàn. Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 2000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày vì bệnh tiêu chảy và trong đó khoảng 1800 trường hợp tử vong có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường. Mặt khác, ở Việt Nam, thiếu nước sạch và vệ sinh kém được xem là nguyên nhân khiến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu sử dụng nước “bẩn” nhưng không phải do nhiễm khuẩn, vi sinh mà bị nhiễm độc tố kim loại nặng, thuốc sâu… thì hậu quả để lại sẽ nặng nề hơn nhiều.

 

Tương lai “mờ mịt” của những đứa trẻ sống trong các ngôi làng có nguồn nước ô nhiễm nhất.

Không có điều kiện tiếp cận và sử dụng nước sạch, hơn ai hết, trẻ phải gánh nhiều hậu quả cũng như chịu nhiều thiệt thòi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ngáng trở tương lai trẻ. Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Ann M. Veneman cho biết: “Trên thế giới, cứ 15 giây lại có một trẻ em tử vong bởi các bệnh do nước không sạch gây ra và nước không sạch là thủ phạm của hầu hết các bệnh và nạn suy dinh dưỡng. Trẻ lớn lên trong những điều kiện như thế sẽ có ít cơ hội để thoát khỏi cảnh đói nghèo”.

Ở nước ta, nhiều trường hợp trẻ trở thành “nạn nhân” của nguồn nước ô nhiễm đã khiến dư luận rúng động. Gần đây là trường hợp trẻ nhiễm chì ở làng Đông Mai – Hưng Yên. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm nồng độ chì trong máu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (SKNN&MT) cho 618 người tại làng nghề tái chế chì này cho thấy có 207 trẻ (khoảng 65,%) bị ngộ độc chì. Không chỉ mắc các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, nhiều trẻ còn phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của ngộ độc chì như viêm não với các di chứng: ngớ ngẩn, thọt chân, mù mắt, bại liệt… Đông Mai cũng được xếp vào danh sách 37 “làng ung thư” trên cả nước. Riêng tại các làng ung thư khác, đặc biệt là 10 làng được Bộ TNMT xếp vào danh sách có nguồn nước ô nhiễm nặng nề nhất, trẻ vẫn phải hằng ngày đối mặt với nguy cơ bệnh tật, thậm chí mất mát người thân do nguồn nước ô nhiễm gây ra.

Những đứa trẻ kém may mắn, sinh ra đã phải đối mặt với những hiểm họa về sức khỏe

 (nguồn ảnh: internet)

Kết quả phân tích của Bộ TNMT cho thấy, mẫu nước lấy tại các làng này đều có mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép. Nghiêm trọng hơn, nhiều mẫu nước thu thập có chứa nhôm, cadimi, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan, sắt… cao. Không chỉ là nguyên nhân gây ra các bệnh: tả, lỵ, thương hàn, giun sán, viêm da, ghẻ lở…, nguồn nước ô nhiễm tại các làng này còn là tác nhân gây ung thư. Thực tế các trường hợp mắc ung thư tại các làng đã chứng minh điều đó. Rất nhiều trẻ em tại những làng này có ông, bà, bố mẹ mắc ung thư, trẻ phải đối mặt với cuộc sống khó khăn và tương lai mù mịt. Và cũng không ai dám chắc, căn bệnh quái ác này sẽ tránh xa chúng.

Điều đáng nói là, không chỉ tại nhà, trẻ không được sử dụng nước đảm bảo mà ngay cả khi đến trường, trẻ cũng phải chịu cảnh ăn, uống những nguồn nước chưa đảm bảo. Tại hầu hết các điểm trường mầm non ở đây, người ta cũng sử dụng nước giếng khoan lọc thô để nấu ăn cho trẻ. Riêng nước uống thì trẻ vẫn phải uống nước đóng bình nhưng chưa qua kiểm nghiệm.

Mòn mỏi chờ nước sạch là thực trạng xót xa tại 10 làng ung thư. Ở đó, có hàng ngàn đứa trẻ phải đối mặt với “nguy hiểm” mà chúng không hề hay biết. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, người dân làng ung thư đang rất cần sự giúp đỡ của toàn xã hội để họ có cơ hội dùng nước sạch, để những đứa trẻ có thể nhìn thấy tương lai…

Vì tương lai hạnh phúc của gia đình hãy tận hưởng cuộc sống khi dùng máy lọc nước HIKOOL.