Sau khi lao động mệt nhọc, hoặc sau khi chơi thể thao…, khi cơ thể còn mệt thì việc uống nhiều nước sẽ có hại cho tim mạch. Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Theo ông, sau khi lao động mệt, cơ thể thường cảm thấy rất khát nước do trước đó cơ thể đã bài tiết ra một lượng nước lớn qua tuyến mồ hôi. Những mao mạch máu trong đường ruột dạ dày ở trạng thái co lại, cơ bắp tập trung trong khi lao động cũng rất căng thẳng. Nếu ngay lúc đó mà đưa một lượng nước lớn vào cơ thể thì dạ dày sẽ không hấp thụ và chuyển hoá ngay được. Nước dễ bị tích tụ trong dạ dày và đường ruột gây cảm giác khó chịu, buồn nôn và ảnh hưởng đến việc tiêu hoá. Đó là lý do mà bạn thường thấy khi uống nước quá nhiều và muốn buồn nôn.
Hơn nữa buồng tim đã rất vất vả trong khi ta lao động, nếu tăng đột ngột một lượng nước lớn trong cơ thể sẽ khiến tim phải tiếp tục làm việc nhiều hơn để điều hoà lượng nước này. TS Lâm khuyên chỉ nên uống từ từ từng lượng nước nhỏ sau khi lao động nặng nhọc, hoặc sau khi chơi thể thao, vận động cơ thể…
Đồng thời, cảm giác khát nước nhưng khi uống rất nhiều vào cơ thể rồi nhưng vẫn cảm thấy không giải tỏa được cơn khát, và muốn uống nữa. Đừng nên như vậy, vì hầu như lượng nước bị thiếu trong cơ thể chưa nhiều như những gì mà nguồn nước cung cấp vào, các tế bào của cơ thể sẽ tự điều chỉnh được bằng số nước dự trữ trong cơ thể. Nếu cơ thể thiếu nước thì niêm mạc miệng bị se lại tạo cảm giác khát. Trường hợp này cũng có hại cho sức khoẻ tương tự như uống nhiều nước sau khi lao động nặng nhọc.
Khi đó, nếu chỉ cần bổ sung một lượng nước nhỏ có thể giải toả được cơn khát. Nhưng nếu cứ tiếp tục nhịn uống, nhất là những lúc cơ thể đang ra nhiều mồ hôi, nước trong cơ thể sẽ cạn khiến các tế bào lâm vào tình trạng thiếu nước.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trước và sau khi ăn cũng không nên uống nhiều nước, vì trong khi ăn dạ dày và ruột sẽ tiết dịch theo phản xạ có điều kiện. Uống nhiều nước sẽ làm loãng dịch tiêu hóa và các dung môi trong dịch, ảnh hưởng tới sự hấp thụ tiêu hóa thức ăn.
Một vài điều cần biết
Bạn bị tăng huyết áp? Vậy hãy uống 1-2 cốc nước đun sôi vào buổi sáng sớm, nó làm máu loãng ra hơn, làm giảm và ngăn chặn nguy cơ tắc mạch máu não, động mạch vành.
Nước đun sôi để nguội rất tốt cho sức khỏe, hãy dùng thường xuyên và đều đặn trong các buổi trưa, chiều, uống từng ngụm và hạn chế sử dụng thức uống có gas.
Vậy thức uống nào kết hợp với việc uống đúng cách sẽ mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe ?
Nước canh gà có tác dụng thúc đẩy quá trình bài tiết hormon tuyến thượng thận, làm phấn chấn tinh thần, tăng cường sức lực, xua đi hết mệt mỏi, căng thẳng. Nên sử dụng nước canh gà vào buổi sáng sẽ giúp ngày làm việc tràn đầy sinh lực.
Buổi trưa, nên uống nước rau xanh, không chỉ giàu vitamin, chất khoáng mà còn có một số tác dụng phòng bệnh và chữa bệnh.
Buổi tối trước khi đi ngủ, nên uống một cốc sữa bò là tốt nhất. Ngoài tác dụng gây ngủ, sữa bò còn bổ sung canxi, chống trạng thái “đói canxi” vào ban đêm, có tác dụng chống loãng xương và thoái hóa khớp.
Nên uống nước chè nóng vào mùa hè vì trong nước chè nóng giàu chất kali, có thể bù đắp lượng kali bị bài tiết qua mồ hôi, làm giảm mệt mỏi, trạng thái buồn ngủ do thiếu kali. Đồng thời, nước chè nóng còn có tác dụng giải nhiệt tốt, làm giảm nhiệt độ ở da, cho chúng ta cảm giác mát mẻ, dễ chịu và sảng khoái. Trong tất cả các loại chè, tốt nhất là chè xanh (chè tươi). Trong thành phần của chè xanh có khoảng 80 nguyên tố khác nhau cần thiết cho cơ thể. Chè xanh có tác dụng làm chắc răng, đào thải chất độc, làm mịn da.
Lưu ý, đối với người chơi thể thao, vận động nhiều, cứ khoảng nửa giờ nên uống 100-150ml nước chứa nhiều dưỡng chất xen kẽ nước đun sôi để nguội giúp cơ thể dung nạp dễ và tái tạo sức khỏe nhanh hơn.
Những người bị bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, người cao tuổi không nên uống nhiều nước lạnh. Sức co bóp của tim ở những người này, vốn đã không được tốt, bỗng nhiên phải tăng gánh nặng làm việc đột ngột, có thể gây thiếu máu, thiếu ôxy cơ tim, làm tim bị đau thắt, loạn nhịp tim.
Người cao tuổi bị bệnh đường ruột cũng không nên uống nước lạnh. Nước lạnh làm tăng nhanh nhu động ruột dễ gây đau thắt bụng, đi lỏng.