Nước sạch sẽ trở nên khan hiếm hơn dầu mỏ

Giá trị của sự vật do đâu mà có? Bằng một phương trình kinh tế đơn giản, ta sẽ thấy : Giá trị của sự vật = sự khan hiếm của nó. Một thứ càng hiếm thì giá trị càng cao và ngược lại. Ví dụ như không khí, bạn cần nó và nó ở khắp nơi, bạn không thấy nó có giá trị. Điều này tương tự đối với nước, khi bạn ở sa mạc nước là vô cùng giá trị, nhưng nó có vẻ chẳng được quan tâm khi bạn ở ngay cạnh một con sông.

Không ai phủ nhận Kim cương là một thứ rất có giá trị, không phải chính nó có nhiều giá trị mà hoàn toàn là do sự khan hiếm của nó. Chúng ta cần Kim cương như một thứ đồ trang sức hay cần nó để tồn tại? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG. Hoặc liệu Kim cương còn giá trị khi người ta có thể dễ dàng kiếm được nó?

Nước có vai trò rất quan trọng đối với sự sống, nước chiếm đến 70% thành phần cơ thể cho nên chúng ta có thể chết nếu không uống nước trong vài ngày. Vậy tại sao nước lại rẻ hơn so với rượu, bia hay các loại nước giải khát khác? Đơn giản là vì ta có thể tìm thấy nước dễ dàng ở xung quanh chúng ta. Tuy nhiên điều này sẽ mãi là như thế ?

Liên Hợp Quốc ước tính rằng vào năm 2050 hơn hai tỷ người trong 48 quốc gia sẽ thiếu nước hoàn toàn. Khoảng 97% đến 98% nước trên Trái đất là nước mặn (dự toán thay đổi chút ít tùy thuộc vào nguồn). Phần lớn lượng nước sạch còn lại ở dưới dạng băng ở các con sông băng hoặc chỏm băng vùng cực. Nước ở ao, hồ, sông, suối và nước ngầm chỉ chiếm khoảng 1% nước ngọt có khả năng sử dụng. Nước ngọt trở thành khan hiếm!

Nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục có chiều hướng gia tăng sẽ làm tan chảy băng ở các vùng cực, và như thế việc cung cấp nước ngọt thực sự có thể giảm. Đầu tiên, nước ngọt từ các sông băng tan chảy sẽ trộn lẫn với nước mặn trong các đại dương và trở nên quá mặn để có thể uống. Thứ hai, thể tích nước ở các đại dương tăng lên sẽ làm mực nước biển tăng lên, nước biến xâm lấn nước ngọt gây ô nhiễm nguồn nước ngọt dọc theo vùng ven biển.

Và với tình hình tăng dân số như hiện nay ( Liên Hợp Quốc ước tính rằng dân số thế giới khoảng sẽ tăng lên 9,4 tỷ vào năm 2050 ) nhu cầu dùng nước càng tăng, xả thải càng nhiều, vấn đề phức tạp hơn nữa ở đây là 95% các thành phố của thế giới vẫn tiếp tục đổ nước thải thô ra sông và nguồn cung cấp nước ngọt khác, làm cho chúng trở nên không an toàn cho người tiêu dùng.

Những dẫn chứng trên minh chứng một điều rằng: Nước ngọt có thể sử dụng ngày càng trở nên khan hiếm và cứ đà này giá trị của nó có thể sẽ hơn cả dầu mỏ!

Để đối phó với tình trạng trên, người ta đưa ra các phương pháp là dùng các công nghệ lọc nước, tách muối từ nước biển để có được nước ngọt. Đầu tư vào các công trình xử lý nước nhiễm bẩn để có nguồn nước sạch. Tuy nhiên đây là những biện pháp đòi hỏi kỹ thuật & kinh phí và suy cho cùng cũng chỉ là những biện pháp mang tính ứng phó. Những biện pháp mang tinh lâu dài và bền vững như làm thế nào giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, làm thế nào ngăn chặn hiệu ứng nhà kính gây tan chảy băng ở các cực,…thì vẩn chưa được quan tâm đúng mức và có những động thái mạnh mẽ, hiệu quả.

Cho nên, thứ giá trị nhất trên thế giới hiện nay, và có khả năng sẽ giữ vị trí đó cho các thế kỷ sau, không phải là dầu mỏ, không phải là các khí đốt thiên nhiên, hay không phải một loại năng lượng tái tạo nào mà đó chính là nước ngọt, nước sạch và nước an toàn!