Nước khoáng – Nên hay không nên?

Nước khoáng giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng chống bệnh tật. Đặc biệt, với những loại nước khoáng có hàm lượng khoáng cao sẽ có tác dụng như một loại thuốc chữa bệnh, điều này có thật sự chính xác ?

Hiểu một cách nôm na, nước khoáng là nước uống có chứa chất khoáng như natri, kali, canxi, magie…, khác với nước tinh khiết chỉ chứa duy nhất chất dinh dưỡng là nước.

Khoáng chất có vai trò vô cùng quan trọng với cơ thể nhưng nếu quá lạm dụng, nó có thể gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe, nhưng thiếu khoáng chất, có thể gây bệnh loãng xương. Trên thực tế, không phải ai cũng dùng được nước khoáng, nhất là nước có hàm lượng khoáng cao. Vì nếu thừa khoáng chất trong cơ thể cũng gây những bệnh nguy hiểm không kém gì thiếu khoáng chất. Tùy trường hợp mà có cách dùng cụ thể và phù hợp.

Mỗi loại nước khoáng đều có hàm lượng chất khoáng riêng và được phân chia thành từng loại. Với loại có hàm lượng khoáng vài trăm ml/l được gọi là nước khoáng giải khát, còn những loại có hàm lượng khoáng trên 1.000mg được xem là nước khoáng trị bệnh và phải dùng theo chỉ định.

Nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời mất nhiều mồ hôi, người tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước, sau đó vẫn nên dùng nước tinh khiết để bù nước cho cơ thể.

Đối với người bình thường thì việc dùng nước khoáng thường xuyên không được khuyến khích, đặt biệt là người bị sỏi thận thì càng không nên.

Đối với trẻ em, chỉ được sử dụng nước tinh khiết không có chứa chất khoáng để pha sữa và cho uống hằng ngày, vì chức năng thận của trẻ còn non yếu và cũng không nên bắt thận của trẻ làm việc nhiều hơn để thải chất khoáng dư thừa ra ngoài. Cho nên cần cân nhắc kỹ vấn đề mua nước khoáng đóng chai để pha sữa bột cho trẻ nhỏ uống, rất nguy hại cho thận của trẻ em.